Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Yêu mến
29.4 Thánh Catêrina đệ Siena, Đtts
Cv 14:5-18; Tv 115:1-2,3-4,15-16; Ga 14:21-26
Yêu mến
Chị Ca-ta-ri-na là con áp út trong một gia đình đạo đức có 25 người con. Chị chào đời tại phố Phôn-tê-bơ-ran-đa, miền Xi-ê-na nước Ý năm 1347. Thân phụ là ông Gơ-ra-cô-mô Bê-nin-ca-sa làm nghề thợ nhuộm ; thân mẫu là bà La-pa.
Hồi còn là ấu niên (1354), được ơn Chúa dự liệu, chị đã khấn giữ đức trinh khiết và lướt thắng nhiều khó khăn do những người thân gây ra. Chị đã khởi sự sống cầu nguyện, hãm mình nhiệm nhặt cùng với các Chị Em Hãm Mình Ða Minh (1363), say mê chiêm niệm chân lý đệ nhất là Thiên Chúa mà chị cho là ngọt ngào nhất. Chị cố gắng “nhận biết Thiên Chúa ở trong con người của mình và mình ở trong Thiên Chúa.” Sống tại gia đình rất nhiệm nhặt cho đến năm 1370 là năm chị nhận được mệnh lệnh của Chúa Giê-su để bước vào hành trình dấn thân làm việc tông đồ.
Từ đó, chị được Chúa Thánh Thần ban nhiều ân huệ lạ lùng và chị ngoan ngoãn tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Linh. Lạ lùng thay ! chị có khả năng kết hiệp việc chiêm niệm những mầu nhiệm cao siêu trong thâm tâm với những hoạt động tông đồ bên ngoài. Chị đã dùng những lời nói sắc bén và những bức thư hối thúc đức giáo hoàng trở về Rô-ma (1376). Thêm vào đó, chị còn tạo điều kiện cho nhiều người nam nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội đi theo con đường thánh đức và bình an. Lòng bừng cháy lửa mến Chúa, chị nỗ lực để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá, nên đã xứng đáng được Chúa dùng những tia sáng in các thương tích của Người nơi thân xác chị vào ngày 1-4-1375.
Trong sắc phong thánh của chị có viết : “Giáo thuyết của người không phải là do học hỏi, người được coi là mẫu sư hơn là môn sinh”. Chị đã để lại cho hậu thế nhiều tài liệu thiêng liêng và thần học quý giá, nhất là cuốn “Ðối thoại” (1378), nên ngay từ thời đó, chị đã được đoàn môn sinh gọi là “Mẹ”. Danh hiệu ấy vẫn còn được lưu truyền trong đại Gia đình Ða Minh cho đến ngày nay.
Chị qua đời tại Rô-ma ngày 29-4- 1380 và được an táng tại vương cung thánh đường Ðức Ma-ri-a thành Mi-nê-va. Ðức giáo hoàng Pi-ô II đã ghi tên chị vào sổ các hiển thánh ngày 29-6-1461 ; và ngày 4-10-1970, đức giáo hoàng Phao-lô VI tôn phong chị lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.
Tin Mừng chúng ta vừa nghe công bố là một bài giáo lý về Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ… Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến… Đấng phù trợ, là Cha Thầy mà Cha Thầy sẽ đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.
Như thế, giáo lý cơ bản về Chúa Ba Ngôi trong đoạn này là:
Chúa Cha là Đấng sai Chúa Con đến với loài người.
Chúa Con vâng lời Chúa Cha đến với loài người để dạy loài người những lệnh truyền.
Chúa Thánh Thần lại được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con, để dạy loài người hiểu sâu hơn những lệnh truyền của Chúa Con.
Thái độ con người phải có đối với Ba Ngôi: Yêu mến Chúa Con nên tuân giữ những điều Ngài dạy. Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ họ làm điều đó. Kết quả: Ba ngôi sẽ ““yêu mến”, “tỏ mình ra” và “ở trong” người ấy.
Chúa Giêsu tiếp tục cho các môn đệ biết hoàn cảnh sinh hoạt sau khi Ngài ra đi: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh mối liên kết giữa lòng yêu mến và sự trung thành với giáo huấn của Ngài. Không thể nói yêu Ngài nếu không nghe lời Ngài. Không thể thì hành Lời Ngài trọn vẹn nếu không vì yêu Ngài. Tình yêu biểu hiện cụ thể qua hành động tuân giữ trong sự tự nguyện. Điều khát mong của Chúa Giêsu được bày tỏ qua lời trăng trối: “Hãy yêu thương nhau”. Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa thật sự, chúng ta có thể yêu người khác như chính mình.
Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là bằng chứng của lòng yêu mến Chúa và được Chúa yêu thương. Chúa Giêsu nhắc lại cách tích cực về điều kiện để được Chúa yêu mến và tỏ mình cho, đó là tuân giữ Lời Chúa. Kiểu nói “ở lại” diễn tả hiệu quả của sự liên hệ mới: không chỉ đơn thuần là sự kết hợp với Chúa Giêsu, nhưng còn sát nhập những kẻ giữ Lời Chúa vào trong mối liên hệ mới với Chúa Cha nữa. Như vậy, Ngài trả lời cho ông Giuđa biết: Chúa tỏ mình ra cho hết bất cứ ai tuân giữ Lời Chúa, chứ không chỉ riêng các môn đệ.
Trong cuốn sách “The living stone” có một câu chuyện như sau: Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thầy khả kính. Ngày vị thầy sắp lìa trần, ngài cho gọi Jonathan trở về để gặp thầy lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăng trối cuối cùng của ông chỉ vỏn vẹn mấy chữ “Hãy hành động vì yêu mến”.
Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu không đòi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính… Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người yêu sẵn sàng cho đi tất cả vì người yêu, chứ không dừng lại ở những rung động của thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình (Mỗi ngày một tin vui).
Tình yêu không bao giờ chỉ là một thứ tình cảm thuần tuý, nhưng tình yêu đòi buộc phải có hành động. Chẳng ai có thể nói “yêu” người khác mà không có bất cứ một ‘hành động” nào để biểu lộ tình yêu của mình. Mà “hành động” ở đây có nghĩa là tất cả con người của mình, cả hồn lẫn xác, cả khối óc và con tim, cả tình cảm cũng như việc làm. Chúng ta có thể tìm thấy gương mẫu diễn tả tình yêu bằng “hành động” như vậy nơi Chúa Giêsu. Ngài yêu mến Chúa Cha bằng việc vâng lời chấp nhận nhập thể, chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá. Trước lúc chia ly các môn đệ, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi các ông phải diễn tả tình yêu của mình bằng hành động cụ thể, đó là: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14, 23).
Yêu là tuân giữ Lời của Chúa: Tình yêu không dừng lại ở cái nhìn thấy hay chỉ là tình cảm suông hoặc xúc động thuần tuý như là một cảm xúc chỉ lưu lại ở trong trái tim. Tình yêu là một nội lực và luôn thúc đẩy dẫn tới hành động. Tình yêu không có hành động là tình yêu không sức sống, là tình yêu lý thuyết, tình yêu chết…Hành động là bằng chứng của tình yêu đích thực như thánh Grégoire le Grand đã khẳng định: “Bằng chứng của tình yêu là chứng nhân qua những công trình. Không bao giờ tình yêu của Thiên Chúa cư ngụ trong nhàn rỗi. Khi tình yêu hiện hữu, tình yêu luôn làm những sự việc lớn lao”.
Khi yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu Ngài bằng một tình yêu đơn sơ chân thành. Tình yêu của con người đối với người cha. Tuy nhiên, để tình yêu được nên trọn vẹn, chúng ta còn phải có chiều kích thứ hai, đó là yêu tha nhân như Chúa yêu. Tức là yêu hết mọi người không phân biệt. Yêu người thương mình và yêu cả người ghét mình. Chỉ có tình yêu như thế, mới đem lại cho ta hạnh phúc thực sự. Ngược lại, nếu chỉ yêu kẻ làm ơn cho mình, thì phải chăng là thứ tình yêu tự nhiên thuần tuý.