Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Kiên trì với Chúa
29.11 Thứ Tư trong tuần thứ Ba Mươi-Tư Mùa Quanh Năm
St 5:1-6,13-14,16-17,23-283; Lc 21:12-19
Kiên trì với Chúa
Tin Mừng hôm nay là một đoạn ngắn trong diễn từ về ngày tận thế. Có một câu chúng ta cần lưu ý, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con sẽ bị người ta bắt bớ, ngược đãi, nộp cho Hội đường, và điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Thầy. Ðó là cơ hội để các con làm chứng về Thầy”. Thật lạ lùng: bị bắt bớ, ngược đãi, tống ngục là chuyện đau khổ, nhục nhã, thất bại, thế mà Chúa Giêsu lại cho là hân hoan, là cơ hội tốt để làm chứng.
Trong thực tế, các môn đệ đã sống và thực hành điều đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công nghị Do thái, các ngài chẳng những không buồn phiền, lo sợ, mà còn hân hoan, vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác. Phaolô bị bắt và bị xét xử, ngài cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho các nhân vật cỡ lớn, như Tổng trấn Felix, Festo, và cả Hoàng đế Herode Agrippa nữa.
Nhưng cái gì đã tạo ra sự biến đổi nơi các môn đệ, cũng là bắt bớ, bách hại mà có người cho là thất bại, người khác lại cho là cơ may? Thánh Augustinô giải thích: cuộc sống con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa. Nếu tội là yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi là thất bại. Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được, và đó còn là dịp để tôi rao giảng về Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái căn bản là tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời.
Trong thực tế, muốn biết chúng ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn vào cuộc sống hàng ngày xem chúng ta có dám vì Chúa mà can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham vọng không hợp ý Chúa, những thú vui không đẹp lòng Chúa, cho dẫu có vì thế chúng ta phải nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu trong cuộc sống, chúng ta dám hy sinh tất cả vì Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể coi trường hợp bị bắt bớ vì Chúa là cơ hội để làm chứng cho Chúa.
Có một câu làm chúng ta lưu ý. Trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “các con sẽ bị người ta bắt bớ, ngược đãi, nộp cho Hội đường, và điệu đến trước nhà cầm quyền vì Danh Thầy. Đó là cơ hội để các con làm chứng về Thầy”. Thật lạ lùng: bị bắt bớ, ngược đãi, tống ngục là chuyện đau khổ, nhục nhã, thất bại, thế mà Chúa Giêsu lại cho là hân hoan, là cơ hội tốt để làm chứng cho Chúa. Tại sao thế? Bởi vì đó chính là con đường mà người môn đệ phải đi: “Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34); và đó cũng chính là hạnh phúc thật của người môn đệ Chúa “Phúc cho ai bị bắt bớ vì công chính” (Mt 5,10)
Lịch sử của Giáo Hội từ đầu và cho đến bây giờ vẫn vậy: luôn bị bắt bớ, không chỗ nầy thì chỗ khác. Trừ Gioan, tất cả các Tông đồ đều bị tử đạo; những Kitô hữu đầu tiên cũng chịu bắt bớ và chạy tán loạn trốn tránh khắp nơi. Cuốn phim Quo vadis đã diễn tả lại Giáo Hội thời Thánh Phêrô bị bắt bớ khủng khiếp như thế nào, họ phải sống chui rúc trong các hang toại đạo, như lũ chuột trong đường hầm dưới nghĩa trang. Rồi kể từ đó, suốt chiều dài của lịch sứ, Giáo Hội luôn luôn bị bắt bớ. Hiện nay ở nhiều nước châu Phi như Soudan; ở Âu châu như Inđônêsia, các cộng đồng Kitô hữu đang bị khủng bố khắp nơi. Trên đất Việt đã có hơn 130 ngàn tử đạo và còn nhiều nữa những vị mà hôm qua cũng như hôm nay mà người ta không biết tới.
Dẫu bị bắt bớ, bị bách hại nhưng các Thánh vẫn kiên trì giữ lòng tin với Chúa.
Kiên trì là một ơn phúc Chúa dành cho những ai phó thác và tin tưởng nơi Ngài. “Kiên trì” là “không từ bỏ hy vọng” ngay cả trong đau khổ, hay khi ta thấy dường như chỉ có một mình ta trong bóng tối, trong sự chê ghét của mọi người. “Kiên trì” là đón nhận Thập Giá Chúa gửi đến, và sống cùng Thập Giá ấy cho đến khi công trình cứu độ Chúa làm cho từng linh hồn được nên trọn. Và trong thời gian ấy, chúng ta được mời gọi nhìn về phần thưởng trong tương lai là Triều Thiên mà Thiên Chúa dành tặng cho mỗi người ở cuối con đường, hơn là những gì xảy ra trong khoảng thời gian được thử thách. Vì lẽ ấy, các thánh tử đạo đã kiên trung tới giây phút cuối cùng dù đau khổ tột cùng nơi thân xác; các thánh hiển tu luôn cố gắng sống thánh thiện từng giây phút dẫu có lúc mọi ánh sáng đều bị lấy mất đi.
Hôm nay, chúng ta cùng lưu tâm và sống đức tính kiên nhẫn. Rất cần xin ơn Kiên Nhẫn với Thiên Chúa, với chính mình và tha nhân. Để rồi trong đau khổ, cô đơn và tăm tối, ta nghĩ về Thiên Chúa đang đợi ta cuối con đường và sẵn sàng ban tặng triều thiên của Ngài cho ta. Có kiên trì mới giữ được mạng sống mình.