skip to Main Content

Bánh Trường Sinh

3/5      Thứ Ba    Thánh Philipphê và Giacôbê, Tông Đồ

Cv 7:518; Tv 31:3-4,6-7,8,17,21; Ga 6:30-35

BÁNH TRƯỜNG SINH

Philipphê là người xứ Bethsaida. Ông là một trong những người đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi. Chính ông đã mách cho Nathanael Tin mừng lớn lao này: “Đấng mà sách luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng ta đã gặp. Đó là ông Giêsu, người Nazareth”. Thấy bạn mình còn hoài nghi, ông đã giục: “Cứ đến mà xem”. Nathanael sau khi đã gặp Chúa Giêsu và nghe Ngài nói thì đã tin.

Philipphê đã xuất hiện nhiều lần trong Phúc âm: Lúc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều; làm trung gian cho những người ngoại giáo muốn gặp Chúa Giêsu. Philipphê cũng là người đã xin Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, xin chỉ cho chúng con thấy Cha, thế là đủ cho chúng con”. Người ta nghĩ rằng ông đã đem Tin mừng đến cho người Scythen sau ngày lễ Ngũ tuần và chết rất thọ ở Hiérapolis, tại Phrygie.

Còn thánh Giacôbê mà chúng ta mừng kính hôm nay là Giacôbê hậu, con ông Alphê. Gọi là Giacôbê hậu để phân biệt với Giacôbê tiền, là con của ông Dêbêđê. Phân biệt này không mang ý nghĩa gì khác ngoài việc tránh sự nhầm lẫn. Khoa Thánh Kinh còn nghi ngờ không biết có phải Giacôbê hậu này có phải là “anh em của Đức Giêsu” và là tác giả của lá thư Giacôbê hay không? Nhưng Phụng vụ Rôma lại có sự đồng hoá và xác nhận.

Trước khi các Tông đồ tản mác mỗi người một nơi, thì họ chỉ định thánh Giacôbê làm Giám mục Giêrusalem. Ngài là linh hồn của cộng đoàn Giêrusalem. Vì ngài đã làm cho nhiều người trở lại với Chúa Giêsu nên bị bản án ném đá. Ngài đã chịu tử đạo đang khi quỳ gối cầu nguyện cho tên lý hình đang kết thúc đời Ngài bằng một thanh sắt giáng xuống trên người, trong thời điểm mừng lễ Vượt Qua.

“Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực”. Đó là câu trả lời của Chúa Giêsu, khi dân chúng đang nhớ đến và hỏi Ngài về man-na, một thứ lương thực nuôi thân xác mà cha ông họ đã được Thiên Chúa ban.

Trước những dấu lạ mà Chúa Giêsu đã làm trong dân chúng, có hai thái độ đón nhận: một số thì tin theo với niềm xác tín “Ông này là Đấng Mê-si-a”, nhưng còn số đông còn lại thì dè chừng, họ luôn đòi một dấu chỉ rõ ràng, khả giác để thuyết phục lý trí và tâm hồn họ. Họ chính là những người chúng ta bắt gặp trong bài tin mừng hôm nay.

Trước những lời giảng báo bạo của Chúa Giêsu, kèm với phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đã lũ luọt đi theo Ngài. Họ theo ngài vì tính hiếu kỳ, về phép lạ điềm thiêng mà Ngài đã làm trước mắt họ. Thế nhưng,  nhiêu đó vẫn chưa đủ với họ, họ đòi hỏi ở Chúa Giêsu một điều gì đó cụ thể hơn nữa, để họ có thể minh nhiên xác tín Chúa Giêsu chính là Đấng phải đến thế gian.

Với phép lạ hóa bánh ra nhiều, họ nhớ tới thứ bánh man-na ngày xưa cha ông họ đã được hưởng dùng mà không phải vất vả làm ra. Họ cũng khát khao được thứ bánh như thế, điều này Chúa Giê-su đã nói vơi họ “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (c. 26). Họ muốn Chúa Giêsu cũng làm cho họ như Thiên Chúa đã làm cho cha ông họ, nói theo rõ hơn, họ tìm đến với Chúa Giêsu là vì “cái bụng đói” chứ không hoàn toàn vì Ngài là Đấng Mê-si-a. Chúng ta ngày nay cũng vậy, ta hay đến với Chúa để xin Ngài thỏa mãn cho ta những nhu cầu vật chất, nhưng lại quên mất ân sủng mà Thiên Chúa luôn ban cho mỗi người.

Chính thái độ này của dân chúng, Chúa Giêsu lại lần nữa phải xác quyết với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Ông Môsê chỉ là thừa lệnh của Thiên Chúa, là lợi khí mà Thiên Chúa đã dùng để nói và làm cho dân chúng. Chính Thiên Chúa mới là ân sủng thật, mới là bánh thật cho con người. Manna chỉ là một cách cụ thể để diễn tả ân sủng thâm sâu qua nó, chứ bản thân man-na không phải là ân sủng, nó chỉ là vật chất mà ân sủng, tình yêu của Thiên Chúa mang lại.

Quả vậy, những hình ảnh trong Tin Mừng Gioan luôn mang hai ý nghĩa: nghe tới “đói” phần xác thịt thì phải nghĩ tới cơn đói tinh thần, thấy thức ăn vật chất thì hãy nghĩ tới thức ăn tinh thần. Bánh hóa nhiều, chỉ là cách mà qua đó Chúa Giêsu muốn nói về một thứ thần lương khác chính là “Bánh sự sông”, chính là thân thể của chính Ngài. “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.

Dân chúng chỉ có thể đón nhận thần lương ấy khi và chỉ khi bản thân họ có một niềm xác tín, phép lạ chẳng thể xáy ra, nếu người “đói khát” ấy không có một lòng tin mạnh mẽ vào thiên chúa. Ngày nay chúng ta cũng vậy, thường hay để ý đến những sự kiện, những dấu chỉ là thường mà ân sủng Chúa mang lại như được khỏi bệnh, được tai qua nạn khỏi các tỏ tường mà ít khi nhớ đến chiều kích thánh thiêng bên trong ngang qua những dấu chỉ lạ thường ấy. Thay vì ta tín thác hơn nơi Chúa, qua các dấu lạ từ anh chị em được Thiên Chúa ban, thì chính ta lại bị mê hoặc bởi những dấu chỉ bề ngoài ấy và tôn sùng “người” được Thiên Chúa sử dụng để thông ban ân sủng.

Mỗi khi ăn, ta làm điều mà không nhà khoa học nào có thể làm: ta đưa vào trong mình một vật chất để giúp ta có sự sống. Thức ăn trở nên thành phần của cơ thể ta. Biết thế nên Chúa Giêsu quyết định ẩn mình trong tấm bánh và trở nên lương thực cho linh hồn, bởi linh hồn ta cần được nuôi dưỡng bằng thần lương như thế, chứ không phải là thứ thực phẩm như thể xác. Chúa Giêsu đã khẳng định với chúng ta: “Chính tôi là bánh trường sinh, ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ”. Chúng ta hãy tin như vậy, vì chỉ khi tin sự nhiệm mầu mới nên hữu ích cho chính mình.

Nhìn lại đời sống đạo của mình, chúng ta cũng cần đặt lại câu hỏi cho mình: Tôi đang theo Chúa vì động cơ gì? Tôi đang tìm kiếm Chúa hay vun vén cho chính tôi? Thứ lương thực nào tôi đang khao khát? Có phải chúng ta ước mong hạnh phúc đích thực nhưng lại mải mê chạy theo những ảo ảnh phù phiếm của thế gian. Chúng ta đang lữ hành tiến về Nước Trời nhưng ham thích dừng lại sa đà vào những thoả mãn chóng qua dọc đường.

Và rồi chúng ta thấy rằng chúng ta được mời gọi tỉnh thức nhưng đang ngủ say trong cơn mê mộng mị của danh vọng, tiền tài, địa vị. Chúng ta dành hết thời giờ sức lực để xây đắp hạnh phúc đời này nhưng chẳng mấy quan tâm đến đời sống vĩnh cửu mai sau.

Back To Top