Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
SÁM HỐI
13 04 X Thứ Ba Tuần XV Thường Niên.
(Tr) Thánh Hen-ri-cô.
Xh 2,1-15a; Mt 11,20-24.
SÁM HỐI
Chúa Giêsu lên tiếng chúc dữ một số thành phố như Corazin, Betsaida. Cuộc sống vật chất sung túc làm cho con người sa đọa, đồng thời chối bỏ tương quan với Ðấng Tạo Hóa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình; chính trong tương quan với tha nhân mà con người nên thành toàn hơn, do đó gia đình và xã hội là nhân tố thiết yếu cho sự phát triển toàn diện con người.
Làng mạc, thành phố, đô thị, tự nó là những xã hội cần thiết để con người xây dựng các tương quan và nhờ đó phát triển nhân cách. Tuy nhiên, thay vì giúp con người phát triển, các đô thi thường lại đày đọa con người vào nỗi cô đơn và chối bỏ mối tương quan với Thiên Chúa. Sự trống rỗng trong lòng người dân đô thị cũng là dấu chỉ sự vắng bóng Thiên Chúa. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người biết rằng chỉ trong Thiên Chúa, con người mới có thể tạo được tương quan đích thực giữa người với người. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không những rơi vào sa đọa, mà còn cắt đứt mọi tương quan với tha nhân.
Chúa Giêsu đã đến trần gian loan báo Tin mừng tình thương và Ngài mời gọi con người “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng.” Bản thân Ngài chính là tin mừng cứu độ, là nguồn ơn giải thoát. Để củng cố cho lời rao giảng, Ngài đã thực hiện nhiều phép lạ chữa lành, xoa dịu nỗi khổ đau của chúng sinh. Thế nhưng con người với bản tính ích kỷ, lòng dạ kiêu căng đen tối không đón nhận Tin mừng Ngài đem đến đã khiến Ngài phải nặng lời quở trách: “ “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa !
Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối….” Kho-ra-din, Bết-xai-đa, Ca-phác-na-um là những thành phố ven biển hồ Ga-li-lê khá phồn thịnh và có trình độ văn hóa; Là những nơi đã in nhiều dấu chân rao giảng của Đức Giê-su, đã chứng kiến phần lớn những phép lạ người làm. Nhưng có lẽ sự kiêu căng và tự mãn bởi giàu sang và tri thức đã khép lòng họ, khiến họ không thể mở lòng đón nhận Tin mừng của Ngài để sám hối và canh tân.
Sám hối – một từ quá quen thuộc, người ta có thể rất hay nói về nó, có thể dùng nhiều từ hoa mỹ để diễn tả, hoặc đọc kinh để sám hối, hay xưng tội để sám hối…,nhưng lại không hiểu hết ý nghĩa của nó.
Vì đã sám hối là phải canh tân, là cuộc sống phải biến đổi. Muốn sám hối người ta phải có lòng khiêm tốn biết mình, nhận ra ân huệ và tình thương Chúa dành cho mình trong cuộc sống, nhận ra tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa và tình thương yêu của Người, nhận ra những sai trái lầm lỗi của mình, thật lòng thống hối và quyết tâm sửa chữa. Giáo lý nhà phật coi sám hối như là một cách tu luyện để được tái sinh: “Chỉ có sám hối nghiệp chướng của mình thề không tái tạo, mới được vãng sanh…đoạn ác tu thiện mới chính là sám hối.” (văn phát nguyện sám hối). Chúa Giêsu mời gọi sám hối – Ngài đã thiết lập bí tích hòa giải, hay còn gọi là bí tích sám hối như một phương thế để người Ki-tô hữu có điểm dừng, có hồi tâm xét mình để biết mình, để hoán cải sửa chữa những lầm lỗi. Thế nhưng có được bao người Ki-tô hữu lãnh nhận bí tích hòa giải trong tinh thần sám hối thực sự, hay coi đó chỉ như hành vi đi “đổ rác”, hoặc để giữ luật, hoặc chỉ vì gượng ép…. Vì thế mà tội xưng xong thì “mèo lại vẫn hoàn mèo” – Không có gì đổi mới, không có gì canh tân.
Kho-ra-din, Bết-xai-đa, Ca-phác-na-um đã được nghe biết Tin mừng của Chúa Giêsu, thấy những phép lạ Người làm, nhưng họ không tin, không sám hối, và Chúa Giêsu nói rằng họ sẽ bị xét xử nặng hơn Tia và Xi-đôn là những thành phố ngoại đạo tội lỗi. Ngày nay Ki-tô hữu chúng ta cũng có rất nhiều cơ hội để nghe và học hỏi Tin mừng của Chúa, đặc biệt qua thánh lễ chúng ta tham dự hằng ngày, hằng tuần; Nhưng lời Chúa có biến đổi cuộc đời ta, có giúp chúng ta sám hối mỗi ngày?
Tin và sám hối là hai việc làm đi đôi, là tương quan hai chiều. Tôi chưa sám hối bởi đức tin của tôi yếu kém, đã khô héo hoặc đã chết. Tin vào Đức Giê-su, vào Tin mừng của Ngài chúng ta không thể tiếp tục ‘đường xưa lối cũ’. Nếu sám hối thực sự, Ki-tô hữu sẽ “nên thánh như Cha trên trời là Đấng thánh”. Sám hối làm cho St. Phê-rô đã từng ba lần chối Chúa được lên tông đồ cả; đã làm cho Madalena – một cô gái điếm trở nên chứng nhân loan báo tin mừng phục sinh đầu tiên, cho St. Augustinh từng rối đạo, mê lầm trong tội lỗi trở nên người bảo hộ đức tin giáo hội qua tổng luận thần học và được tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh….
Lắng nghe Lời Chúa, đó là bí quyết để xây dựng cuộc sống xã hội, thắt chặt quan hệ với tha nhân và trở nên thành toàn. Ðó là điều Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: con người không thể xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu loại bỏ Thiên Chúa và những giá trị thiêng liêng ra khỏi cuộc sống.
Sám hối là trở về với Cha, công nhận quyền tối thượng của Người trên cuộc đời mình, sẵn sàng vâng mệnh, thi hành thánh ý của Người trong cuộc sống; là biết nói không với những gì có thể kéo ta xa rời Thiên Chúa. Sám hối là mở rộng tâm hồn mình cho hồng ân Chúa đến như mưa tuôn thấm nhuận làm cho đất khô cằn trở nên phì nhiêu phát sinh hoa thơm trái tốt.
Sám hối tuy là một tiến trình, nhưng nó cần có một khởi điểm. Khởi điểm này là lời đáp trả ban đầu đối với tiếng gọi của Thiên Chúa, một đáp trả dứt khoát chứ không chần chừ, quyết liệt chứ không hứa hẹn. Ngay từ bước khởi đầu, hối nhân để cho ân sủng Chúa thấm vào tâm hồn bị thương tích của mình và chấp nhận chỗi dậy bước đi trong tiến trình chữa lành. Sẽ không có một tiến trình trở về với Chúa, nếu không có bước khởi đầu này. Bước khởi đầu này dù chỉ là một dấu chấm, nhưng là một dấu chấm quan trọng, không thể thiếu, để khởi dẫn cho nhiều dấu chấm khác, làm thành một đường thẳng tắp hướng về trời. Dân thành Tia và Xi-đôn nhanh chóng khởi đầu hành trình sám hối của họ sau khi nghe Lời Chúa, không tính toán, do dự. Đối với họ, hạnh phúc bắt đầu từ bước khởi đầu đó.